Các tiêu chí đô thị sinh thái trên thế giới
“Eco” viết tắt của từ sinh thái trong cụm từ đô thị sinh thái “Ecocity”, vốn đọc chệch từ “Oikos” của tiếng Hy lạp cổ nghĩa là “gia đình” (“hộ gia đình”) trong đó mọi người cùng làm việc để tạo ra một đơn vị chức năng nào đó. Tương tự như vậy, các đô thị sinh thái “ecocities” muốn nhấn mạnh mối quan hệ lành mạnh giữa các phần của thành phố với chức năng của chúng hơn là đơn thuần nói đến hàng loạt các chỉ số đo độ xanh, sạch đẹp của đô thị.
Các tiêu chí đánh giá đô thị sinh thái trên thế giới
Công ty tư vấn nguồn nhân lực và dịch vụ tài chính Mercer có trụ sở tại New York, Mỹ đã công bố bảng xếp hạng các thành phố sinh thái của thế giới năm 2010. Bảng xếp hạng được đánh giá dựa trên các yếu tố như nguồn nước sẵn có, nước uống, nước thải, rác thải, ô nhiễm không khí và tắc nghẽn giao thông.
Theo khảo sát của Mercer, Calgary là một trong hai thành phố của Canada lọt vào top 10, với Ottawa xếp vị trí số 3. Ngoài Canada, Mỹ là nước còn lại duy nhất có 2 thành phố lọt vào top 10, gồm Honolulu xếp vị trí thứ 2 và Minneapolis giành vị trí số 6. Mười thành phố sinh thái của thế giới là: 1. Calgary, Canada; 2. Honolulu, Hawaii, Mỹ; 3. Ottawa, thủ đô Canada; 4. Helsinki thủ đô Phần Lan; 5. Wellington, thủ đô New Zealand; 6. Minneapolis, Minnesota; 7. Adelaide, Australia; 8. Copenhagen, thủ đô Đan Mạch; 9. Kobe, Honshu, Nhật Bản; và 10. Oslo, thủ đô Na Uy.
Tiêu chuẩn quốc tế về đô thị sinh thái (International Ecocity Standard – IES) được tập hợp từ nhóm các nhà xây dựng đô thị sinh thái (Ecocity Builders), tập hợp các thành viên của các tổ chức từ khắp nơi trên thế giới. IES đánh giá hiện trạng và quá trình phát triển mới của các đô thị trong việc hướng tới để trở thành đô thị sinh thái. IES đánh giá mức độ đạt được trên các quy mô khác nhau từ các khu vực nhỏ đến toàn bộ vùng, dựa trên nguyên tắc của các hệ thống và các thiết kế sức khỏe sinh thái.
Các tiêu chí xem xét đánh giá đô thị sinh thái, theo IES, bao gồm các nhóm:
– Cơ cấu đô thị: về sử dụng đất và kiến trúc đô thị;
– Giao thông đô thị với thứ tự ưu tiên: giao thông đi bộ, xe đạp, thang vận (elevators, escalators), giao thông công cộng bằng xe điện hoặc tàu điện ngầm, giao thông công cộng bằng xe bus, rồi mới đến xe ô tô con;
– Năng lượng: sử dụng năng lượng có thể tái tạo như gió, mặt trời…, hạn chế sử dụng tài nguyên không tái tạo được, dùng các giải pháp bảo tồn năng lượng;
– Xã hội: đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về kiến trúc và thiết kế chỗ ở và sinh hoạt cho người dân, đảm bảo về giáo dục và việc làm…;
– Nông nghiệp;
– Quy hoạch các khu vực đặc thù và các công cụ quản lý;
– Chính sách và thể chế quản lý;
– Kinh tế…