Chiếc chiếu, một vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam, đặc biệt là vùng Nam Bộ. Ở vùng đất mới có nhiều dân tộc cùng cộng cư chung sống như Nam Bộ thì ngay từ thời đất đai còn hoang hóa, con người Nam Bộ đã biết tận dụng cây lác từ thiên nhiên để dệt nên những chiếc chiếu để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Sau đó, nghề thủ công dệt chiếu xuất hiện, làm ra nhiều sản phẩm chiếu khác nhau và chất lượng ngày càng được nâng cao theo thời gian. Dần dần, chiếc chiếu trở thành vật dụng gắn liền với con người Nam Bộ đặc biệt là trong đời sống văn hóa.
Về giá trị tinh thần, chiếc chiếu xuất hiện hầu như suốt quá trình phát triển của đời người. Chiếu dùng trong sinh nở, để trải giường tân hôn và dùng để đắp hay quấn thi hài người đã khuất.
Đặc biệt, sinh nở là giai đoạn khởi đầu cho một sự sống mới, là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Người Nam Bộ rất xem trọng việc mang thai và sinh nở. Người phụ nữ mang thai được chăm sóc chu đáo trong suốt hơn chín tháng ròng. Trước ngày hạ sinh, người nhà thường chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết như: Khăn, quần áo cho trẻ sơ sinh, tã lót,… và không thể thiếu những tấm chiếu manh mới cho trẻ, chiếu cỡ lớn cho mẹ. Dùng chiếu cho bé nằm vừa sạch sẽ, ấm, tránh được rôm sảy lại phù hợp cho việc nằm lửa của mẹ.Chiếu dùng để trải giường cô dâu, chú rể với ý muốn mong mỏi mọi điều tốt lành, may mắn đến với hai vợ chồng. Người được chọn để trải chiếu phải có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, con cháu đầy đàn.Trong nghi lễ tang ma, chiếu cũng được dùng cho người chết nằm, đắp, kể cả quấn thi hài. Mặc dù ngày nay, người ta ít dùng chiếu để cuốn thi hài người chết khi tẩm liệm nhưng phong tục này còn rất nhiều người biết đến.
Chiếu còn là vật dụng rất giá trị trong một số lễ tục như: Tục thờ cúng tổ tiên, lễ hội đình, lễ hội Nguyễn Trung Trực. Trải chiếu để quỳ lạy, khấn vái tổ tiên, thần thánh với ý niệm kiêng cử những thứ dơ bẩn khi thực hiện các nghi thức thiêng liêng.
Hay trong những ngày giỗ chạp, dòng họ, anh em gần xa đều tập trung về cúng ông bà, sau khi cúng vái xong, mọi người lại ngồi xúm xít bên nhau trò chuyện trên những chiếc chiếu sạch sẽ và êm mát. Điều đáng nói ở đây là việc dùng chiếu trải trong những dịp cúng kỵ, vái lạy của con người Nam Bộ và cả dân tộc Việt Nam rất phổ biến, như một thói quen. Có lẽ không chỉ tiện dụng mà chiếc chiếu còn mang ý nghĩa thiêng liêng khác thuộc về cảm nhận tâm linh, nó là thứ vật dụng không thể thiếu trong các nghi lễ dân gian Nam Bộ.
Chiếc chiếu còn có ý nghĩa đặc biệt trong lễ hội Nguyễn Trung Trực – một anh hùng dân tộc. Lễ hội Nguyễn Trung Trực, chiếu có ý nghĩa tâm linh quan trọng, nêu bật lên tinh thần ngưỡng mộ, tôn kính sâu sắc của đồng bào với anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Chữ Thọ trên chiếu có ý nghĩa dù mất đi nhưng cụ sống mãi trong lòng nhân dân. Trong văn học dân gian Nam Bộ, chiếc chiếu xuất hiện rất nhiều trong ca dao, tục ngữ, thơ ca, câu đố với vai trò là vật biểu trưng cho tình cảm lứa đôi trong mảng ca dao trữ tình. Các tác giả dân gian đã mượn hình ảnh chiếc chiếu để nói lên những cung bậc cảm xúc trong tình yêu đôi lứa: Tỏ tình, nhớ thương, hờn giận… Qua nghệ thuật của văn học dân gian Nam Bộ, chiếc chiếu còn là biểu tượng văn hóa cho hạnh phúc vợ chồng, là vật chứng của tình yêu. Đặc biệt, hình ảnh chiếc chiếu còn được sử dụng trong ca dao, câu đố như là một biểu tượng về thân phận con người mà chủ yếu là thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Một số từ ngữ thường dùng để chỉ thân phận người phụ nữ như: Manh chiếu, chiếu rách, chiếu hoa…
Tóm lại, giá trị của chiếc chiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Nam Bộ gồm: Chiếu trong nghi lễ vòng đời người, chiếu trong lễ hội và chiếu trong văn học dân gian Nam Bộ. Mặc dù xã hội ngày càng phát triển hiện đại thì nệm cao su, nệm mút đã dần thay thế cho chiếc chiếu truyền thống. Tuy nhiên, chiếc chiếu vẫn còn giữ nguyên những giá trị tinh thần nhất định trong đời sống con người:
“Dù cho nệm gỗ chăn bông
Đâu bằng tấm chiếu tỏ lòng em trao”.