Văn học và nghệ thuật góp phần làm nên văn hoá Nam Bộ

Nền văn học Nam Bộ mang đậm dấu ấn của con người nơi đây, với những câu hò điệu lý ngọt ngào, sâu lắng, những áng thơ ca đậm chất trữ tình, những tác phẩm văn xuôi phản ánh cuộc sống bình dị của người dân nam bộ. Nổi bật trong nền văn học là những tác phẩm của nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Đình Chiểu, Tú Xương, Hồ Biểu Chánh,... Nghệ thuật Nam Bộ cũng vô cùng phú và đa dạng, với các loại hình nghệ thuật truyền thống như đờn ca tài tử, cải lương, tuồng,... Mỗi loại hình nghệ thuật đều mang những nét đặc trưng riêng, thể hiện tâm hồn và tình cảm của người dân Nam Bộ.

Nam Bộ có một kho tàng văn học, văn nghệ dân gian phong phú. Đó là các truyện dân gian phản ánh sự nghiệp khai phá đất đai, gắn liền với những danh thắng, di tích và nhân vật lịch sử. Đó là kho tàng ca dao và dân ca với các điệu hò, điệu lý, các bài hát huê tình, hát ru em, hát đồng dao, hát sắc bùa, hát thài, hát rối, hát vọng cổ, hát tài tử, v.v. Đặc biệt, hát vọng cổ và hát tài tử rất được người Nam Bộ ưa thích. Ngoài ra, Nam Bộ còn có một số thể loại văn học dân gian đặc sắc khác là nói vè, nói tuồng, nói thơ. Đây là loại hình tự sự dân gian khá phổ biến, nó thông tin nhanh những nỗi niềm, tâm sự. Trong đó, vè chiếm vị trí quan trọng, có những vè tiêu biểu như vè Chàng Lía, vè Trịnh Hâm, vè thầy Thông Chánh… Truyện thơ và hình thức diễn xướng nói thơ cũng là một hoạt động văn nghệ dân gian phổ biến tại Nam Bộ, với các truyện thơ nổi tiếng như Lục Vân Tiên, Phạm Công – Cúc Hoa, Thoại Khanh – Châu Tuấn, Lâm Sanh – Xuân Nương, Thạch Sanh – Lý Thông, Dương Ngọc, Hoàng Trừu, Tấm Cám, Hậu Vân Tiên… Hát bội (tuồng) từ miền Trung đưa vào đã phát triển mạnh mẽ trên đất Nam Bộ. Hầu hết các lễ hội thường có kèm theo hát bội. Ca nhạc tài tử phát sinh từ Gia Định rồi lan đến các tỉnh miền Tây, là một trong những cội nguồn của nghệ thuật cải lương là loại hình sân khấu mới ra đời tại Nam Bộ vào đầu thế kỷ XX. Trên cơ sở khai thác đặc điểm ngữ âm Nam Bộ và những thành tựu của ca nhạc, sân khấu dân gian và ca nhạc tài tử Nam Bộ, cùng với sự tiếp biến loại hình sân khấu kịch nói phương Tây, cải lương đã nhanh chóng trở thành một trong ba loại hình sân khấu dân tộc phổ biến ở Việt Nam.
 

Văn hoá bác học ở Nam Bộ cũng bước đầu phát triển với những thi đàn, thi xã như Tao đàn Chiêu Anh Các, Bình Dương Thi xã, Bạch Mai Thi xã, trường tư thục của Gia Định Xử sĩ Võ Trường Toản ở Hoà Hưng… Tao đàn Chiêu Anh Các còn để lại tác phẩm Hà Tiên thập vịnh. “Gia Định tam gia” là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh là tác giả các công trình biên khảo Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Gia Định Thành thông chí… Ông nghè đầu tiên của Nam Bộ là Phan Thanh Giản đã làm Tổng tài biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Trong thời kỳ cận đại, Nam Bộ có nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu nổi tiếng, như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Thông, Hồ Biểu Chánh, Trần Chánh Chiếu, Sương Nguyệt Anh, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, v.v. Các sản phẩm văn hoá gốc phương Tây như chữ quốc ngữ, nhà in, báo chí, tiểu thuyết, thơ mới, trường học kiểu phương Tây,  u phục… đều được phổ biến ở Nam Bộ trước tiên rồi mới phổ biến đến các vùng miền còn lại.

Là vùng đất mới, nhưng Nam Bộ cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử – văn hoá như Văn miếu Trấn Biên, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh ở Đồng Nai; di tích Rạch Gầm-Xoài Mút, di tích Ấp Bắc, luỹ Pháo Đài, lăng Hoàng Gia, lăng Trương Định, lăng Tứ Kiệt ở Tiền Giang; Văn Miếu ở Vĩnh Long, v.v. Gần đây, một số địa phương ở Nam Bộ đã tiến hành phục dựng, trùng tu các di tích này để tôn vinh những người có công đối với lịch sử và văn hoá của vùng đất phương Nam.
 

Người Khmer Nam Bộ có một kho tàng văn học dân gian rất phong phú bao gồm nhiều thể loại như truyện cổ tích (rương prêng), thần thoại (rương boran), tục ngữ (sopheaset), bài ca (châm riêng)…, và được chia làm hai mảng lớn là văn xuôi (peak sâmrai) và văn vần (kâm nap). Người Khmer Nam Bộ cũng có nhiều loại hình nghệ thuật rất độc đáo như múa, âm nhạc, sân khấu, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, trang trí… Trong đó, nghệ thuật múa được chú ý nhiều nhất, bao gồm múa dân gian và múa chuyên nghiệp. Ram vong, lâm lêv và sarvan là ba điệu múa dân gian phổ thông nhất, hầu như bất cứ người Khmer nào cũng biết. Ngoài ra là các điệu múa con sáo (sarikakev), múa trống chhayam, múa đám cưới, múa đám tang, múa cúng Neak Ta và cầu Arăk…  m nhạc bao gồm nhạc sân khấu và nhạc dân gian. Nhạc cụ rất đa dạng, trong đó tiêu biểu là dàn nhạc gõ (phlêng pinpeat), thường được sử dụng trong những lễ nghi của Phật giáo, đám tang, đám cưới và các lễ hội dân gian. Dàn nhạc có 5 bộ, gồm bộ hơi, bộ da, bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, nhưng người Khmer vẫn gọi là dàn nhạc gõ vì đa số các nhạc cụ đều phải gõ để phát âm. Người Khmer còn có dàn nhạc nhẹ (phlêng khsê) gồm các loại đàn cây, chủ yếu là đàn cò (trôrô lea), đàn cò u (trô ủ), đàn bán nguyệt (khưm), cặp phách tre (krab), trống cổ bồng (skôr phiêng)… dùng để hợp tấu, và các loại đàn trô khse bei và peiar Khmer dùng độc tấu trong các dịp cúng Arăk, Neak Ta. Tiêu biểu nhất trong loại hình nghệ thuật sân khấu là kịch hát Rôbam và kịch hát Yukê. Kịch hát Rôbam có nguồn gốc từ cung đình, trong đó vũ đạo chiếm một vai trò quan trọng, nên có người gọi là múa rôbam (răm rôbam) hay hát răm. Nội dung là những tuồng tích cổ, nổi tiếng nhất là vở Réakér. So với Rôbam, kịch hát Yukê có nguồn gốc gần gũi với mảnh đất Nam Bộ hơn nên được người Khmer ở Campuchia gọi là Lakhôn Bassac (kịch hát vùng đồng bằng sông Cửu Long), và có tuổi đời trẻ hơn, ra đời và trưởng thành trong thập niên 1920. Tuồng tích của Yukê là các tuồng cổ Khmer được trích từ anh hùng ca Ấn Độ Ramayana; các truyện thần thoại như Lin thông, Mak phu yong kev, Sara minh, các truyện xưa tích cũ của người Việt như Thạch Sanh chém chằn, Tấm Cám…, và cả một số tuồng Trung Quốc như Tam Tạng thỉnh kinh, Trụ Vương mê Đắc Kỷ… Chùa chiền của người Khmer Nam Bộ có kiến trúc rất độc đáo, là nơi thể hiện những thành tựu nổi bật về kiến trúc, điêu khắc, hội họa và hoa văn trang trí của người Khmer. Các ngôi chùa không chỉ là trung tâm tôn giáo mà còn là trung tâm giáo dục, trung tâm văn nghệ, trung tâm hội họp, trung tâm lễ hội của cộng đồng. Toàn vùng có tổng cộng hơn 400 ngôi chùa Khmer, trong đó xưa nhất và nhiều nhất là các chùa Khmer trên địa bàn Trà Vinh và Sóc Trăng. Ở Trà Vinh có tới 140 chùa Khmer, vượt xa số lượng chùa của các tộc người khác hiện có trên địa bàn cộng lại. Trong đó tiêu biểu là chùa  ng (chùa Samrông Ek, có từ năm 1642, có thuyết cho là năm 1373),chùa Hang, chùa Nôdol (chùa Cò), chùa Samrônge (tương truyền được xây dựng năm 642, xây dựng lại năm 1850)… Ở Sóc Trăng, có những chùa nổi tiếng như chùa Kh’leang (xây dựng năm 1533), chùa Dơi (chùa Mã Tộc, chùa Ma-ha-tuc, ra đời khoảng đầu thế kỷ XVII), v.v. Người Khmer Nam Bộ có hệ thống chữ Khmer cổ truyền, ra đời vào thế kỷ thứ VII, bắt nguồn từ chữ Sanskrit, vẫn còn được lưu dụng và phổ biến trong cộng đồng.
 

Người Hoa ở Nam Bộ có nền văn học, nghệ thuật rất phát triển, gồm đủ các bộ môn: văn học, âm nhạc truyền thống, tân nhạc, ca kịch, hí kịch, múa hầu, múa lân – sư – rồng, tạp kỹ, kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, thư pháp, tranh kiếng, v.v. Những nơi thờ phụng công cộng của người Hoa nhưcác hội quán, miếu, đình, đền, chùa, nhà thờ, đều có lối kiến trúc và điêu khắc cổ kính, đặc thù.Những nơi thờ phụng công cộng này không chỉ là trung tâm tín ngưỡng mà còn là trung tâm văn hoá, giáo dục của cộng đồng, nơi giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá nghệ thuật của người Hoa. Riêng Sài Gòn – Chợ Lớn đã có trên 20 nơi thờ phụng công cộng như vậy: các hội quán Minh Hương Gia Thạnh (xây dựng năm 1789), Nghĩa Nhuận, Lệ Châu (Minh Hương – Chợ Lớn), Tuệ Thành (Quảng Đông – Chợ Lớn, xây dựng năm 1796), Quảng Triệu (Quảng Đông – Sài Gòn), Hà Chương, Ôn Lăng, Tam Sơn (Phúc Kiến – Chợ Lớn), Nghĩa An (Triều Châu – Chợ Lớn), Quỳnh Phù (Hải Nam – Chợ Lớn), Quần Tân (Hẹ – Gò Vấp); các miếu Thất Phủ (7 bang – Chợ Lớn), Thiên Hậu (Quảng Đông – Sài Gòn); đình Nhị Bang (Phúc Kiến – Chợ Lớn); đền Ngọc Hoàng Đa Kao (tất cả người Hoa); các chùa Phụng Sơn (Hội chợ Sắt), Trúc Lâm (Phật tử gốc Hoa), Bảo Sơn (Phúc Kiến – Chợ Lớn), Báo  n (tín đồ Công giáo Hoa); các nhà thờ Cha Tam (tín đồ Công giáo Hoa), Phúc  n, Tịnh Tâm (tín đồ Tin Lành Hoa), v.v. Tiếng Hoa và chữ Hán, phương tiện truyền lưu văn hoá và nối kết các cộng đồng người Hoa, vẫn được giảng dạy ở các trường lớp nơi có người Hoa cư trú tập trung, mà nhiều nhất là ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Nhiều người Hoa cư trú lâu đời ở Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc, góp phần không nhỏ vào việc phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá của Việt Nam: Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Trần Đại Định, Mạc Cửu, Mạc Thiên Tứ, Võ Trường Toản, Gia Định tam gia (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh), Gia Định tam hùng (Đỗ Thành Nhân, Võ Tánh, Châu Văn Tiếp), Ngô Tùng Châu, Trần Tiễn Thành, Phan Thanh Giản, Lý Liễu, Châu Thượng Văn, Hồ Dzếnh, tứ trụ thời Pháp thuộc (Hứa Bồn Hoa, Quách Đàm, Hộ Xưởng, Trần Ích), v.v. Người Việt Nam Bộ tiếp thu Nho giáo và học thuật của Trung Hoa, một phần cũng là nhờ sự vai trò cầu nối của những trí thức Minh Hương và trí thức người Hoa Nam Bộ.
 

Người Chăm Nam Bộ có các hoạt động văn nghệ như ca, múa, kịch… Tuy bị câu thúc bởi đạo Hồi nhưng các hoạt động này vẫn được cộng đồng ủng hộ trong những dịp lễ hội. Thành tựu nổi bật nhất về nghệ thuật của người Chăm Nam Bộ là các thánh đường lớn với lối kiến trúc và trang trí rất độc đáo, đặc thù. Người Chăm Nam Bộ có chữ viết riêng là chữ Chăm Melayu do người Chăm Nam Bộ xây dựng dựa trên chữ Ả Rập và chữ Jawi của người Melayu ở Đông Nam Á, dùng để trao đổi trong cộng đồng và tìm hiểu đạo Hồi. Các tộc người Stiêng, Chrau đều có nền văn học dân gian riêng, và có hệ thống chữ viết được xây dựng theo mẫu tự La Tinh nhưng chưa được triển khai, phổ biến.

Văn học và nghệ thuật không chỉ là những yếu tố đơn thuần trong văn hóa Nam Bộ, mà chính chúng đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền văn hoá đặc sắc của vùng miền này. Từ những câu chuyện dân gian đậm chất Nam Bộ đến những tác phẩm văn học, nghệ thuật truyền thống và hiện đại, mỗi tác phẩm đều là một cống hiến quý báu cho sự đa dạng và phong phú của văn hoá Nam Bộ. Văn học và nghệ thuật không chỉ là nguồn cảm hứng, mà còn là những cột mốc quan trọng, gắn kết cộng đồng và tôn vinh những giá trị truyền thống. Nhờ vào sự đa dạng và phong phú của văn hóa này, Nam Bộ đã luôn là một điểm đến lý tưởng cho những người yêu văn hóa và nghệ thuật, cũng như là một nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ tiếp theo. Đó chính là sức mạnh vô biên mà văn học và nghệ thuật mang lại cho văn hoá Nam Bộ, góp phần làm nên bản sắc văn hoá vùng đất này.

Câu Hỏi Thường Gặp

Bài viết liên quan