ĐỜI SỐNG TÍN NGƯỠNG CỦA NGƯỜI MIỀN SÔNG NƯỚC TỈNH BẾN TRE

Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Bến Tre gắn liền với quá trình khai hoang, lập ấp của các lưu dân người Việt. Vì quá trình khẩn hoang, giữ gìn và bảo vệ vùng đất mới có phần khó khăn từ thiên nhiên và bệnh tật, nên tín ngưỡng ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu về tâm linh, mang lại cho người dân cảm giác được chở che từ các vị thánh linh. 

Văn hóa tín ngưỡng
Theo các sử sách ghi lại, mảnh đất Bến Tre được khai hoang bởi phần lớn là cư dân miền Trung di chuyển vào phía Nam. Quá trình khai hoang và phát triển gặp rất nhiều khó khăn, hiểm họa từ thiên nhiên. Rừng thiêng nước độc, sơn lam chướng khí đã đã gây ảnh hưởng rất nhiều cho việc “bám rễ” lâu dài của con người. Dường như con người khi đứng trước thiên nhiên đều trở nên nhỏ bé, bởi vậy mà họ phải nhờ đến các đấng linh thiêng che chở. Từ đó, tín ngưỡng ra đời đáp ứng nhu cầu của con người, và cũng là sự kế thừa bản sắc văn hóa nguồn cội Việt Nam. 

Tín ngưỡng được hình thành từ niềm tin và sự ngưỡng mộ, thành kính của con người đối với các hiện tượng linh thiêng. Cái “thiêng” do con người tự tưởng tượng ra hoặc do sự thành kính, suy tôn mà họ cho là có thật. Những niềm tin ấy cho đến tận bây giờ cũng không thể lý giải được, song đó cũng trở thành nét văn hóa tiêu biểu và đẹp đẽ của dân tộc ta. 

Vùng đất Bến Tre có đầy đủ các loại hình tín ngưỡng, dựa vào tính chất và quy mô. Các tín ngưỡng chính của cư dân Bến Tre gồm: tín ngưỡng dân gian trong gia đình, tín ngưỡng cộng đồng và tín ngưỡng khác. 

Các hình thức tín ngưỡng
Bến Tre là mảnh đất dù tuổi đời chưa nhiều so với các tỉnh miền Bắc và miền Trung, tuy nhiên, cư dân ở đây vẫn mang trong mình niềm tin tín ngưỡng, đậm nét bản địa của vùng đất này. Các tín ngưỡng được thừa kế từ văn hóa dân gian, cũng như được người dân bản địa hóa cho phù hợp với lối sống nơi đây. 
 

Đầu tiên, về hình thức tín ngưỡng trong gia đình, ta bắt gặp ở ngay trong tục thờ cúng tổ tiên, thờ các vị gia thần. So với phong tục thờ gia tiên ở các vùng miền khác, thì ở Bến Tre vẫn giống đại đa số các gia đình Việt khác. Trong nhà, bàn thờ gia tiên được đặt ở nơi cao ráo, trang trọng nhất. Đồ thờ cơ bản bao gồm: tủ thờ thường là tủ Gò Công (có 9 trụ, 11 trụ, càng nhiều trụ càng thể hiện độ hoành tráng của chiếc tủ); phía sau tủ đặt một chiếc Giường thờ ( phía trên giường thờ là tranh kiếng hoặc tranh sơn thủy và các bức câu đối, hoành phi); trên tủ thờ đặt cặp Chân đèn thau, ở giữa là Lư hương; phần phía trong, ở giữa đặt lư đồng, hai bên là bình hoa và chiếc chò cao để đặt dĩa trái cây, bố trí theo nguyên tắc “Đông bình Tây quả”. 
 

Mỗi dịp Tết đến hoặc trong nhà có sự kiện trọng đại, như đầy tháng, thôi nôi, cưới xin,... thì gia đình sẽ làm một mâm cúng thỉnh ông bà tổ tiên về chứng giám, phù hộ cho con cháu trong nhà được bình an, may mắn và khỏe mạnh. 

Bên cạnh đó, các hộ gia đình ở Bến Tre còn thờ vị thần Bổn mạng. Đàn ông thường thờ Quán Thánh đế quân, Tử vi đại đế; còn phụ nữ thì tùy can chi của tuổi mà thờ các vị nữ thần như: Phật Bà Quan  m, Bà Chúa Tiên - Chúa ngọc… 

Vào những ngày sóc vọng (mùng 1 và 15) hàng tháng thì có thêm hai chén đựng gạo, muối và dĩa trái cây. Hàng ngày, vào lúc chập tối, chủ nhà đốt một nén nhang, chắp tay đứng trước bàn thờ khấn vái, cầu Trời ban phước lành, sức khỏe, bình an… hy vọng qua làn khói nhang tỏa lên Trời mang theo những lời cầu khẩn của gia chủ, để nguyện vọng được “thông” đến Trời (thông thiên), cầu mong sự phù hộ cho người thân và gia đình mình.

Câu Hỏi Thường Gặp

Bài viết liên quan