Miền Tây màu mỡ không chỉ hấp dẫn du khách với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, những rừng tràm bạt ngàn hay dòng sông đỏ nặng phù sa, mà nơi đây còn thu hút khách du lịch bởi đời sống giản dị, yên bình của người dân qua những nét văn hoá vô cùng đặc biệt. Một trong những nét sinh hoạt văn hoá độc đáo mà du khách không nên bỏ qua khi đặt chân đến miền sông nước ấy, đó là chợ nổi.
Khi mặt trời còn đang ló dạng, màn sương giăng kín khắp một vùng sông nước, người dân đã bắt đầu cuộc sống mưu sinh của mình. Từ những ngả sông hiền hòa, các bà, các chị thoăn thoắt mái chèo cùng những chiếc xuồng đầy ắp sản vật, hàng hoá đổ về khúc sông họp chợ. Tiếng cười nói rộn ràng, tiếng gọi nhau í ới cứ thế vang vọng cả một khoảng không gian.

Tuy nhiên, điểm ấn tượng của chợ nổi không phải là tiếng gọi mời, chào hàng mà là những cây bẹo được cột trước mũi thuyền. Ai bán gì thì treo thứ ấy lên cây bẹo. Chính những bẹo hàng này khiến chợ nổi có nét độc đáo riêng, đông đúc nhưng không xô bồ, cảnh mua bán diễn ra rất trật tự; ghe xuồng này mua xong lại lặng lẽ rời đi nhường chỗ cho ghe, xuồng khác đến. Cứ như thế, nhịp sống chợ nổi đầy màu sắc của những bẹo hàng, ấm áp cái tình của những con người bình dị, dân dã trôi qua từng ngày và tồn tại qua bao đời nay.
Lúc sớm tinh sương ấy, được ngồi thư thả trên ghe, thưởng thức bát bún, phở nóng hổi mà nhìn ngắm mọi hoạt động trên sông nước, thực sự là trải nghiệm đáng thử của những người đã quen với việc mua bán ở chợ trên bờ. Chợ nổi bán phần lớn là những sản vật đặc trưng ở mảnh đất Nam Bộ, tuy nhiên ở mỗi chợ lại có những mặt hàng đặc sản, làm nên dấu ấn của chợ nổi ấy. Đến với chợ nổi Cái Bè, mỗi du khách phải mang về ít nhất là một vài túi trái cây ngon. Hay đặc sản ở chợ nổi Cái Răng là những loại rau củ như bầu, bí, khoai lang, …
Thong thả ngồi trên ghe thuyền, lênh đênh trên dòng nước mà chiêm ngưỡng cảnh họp chợ vào sớm tinh mơ, bất cứ ai được trải nghiệm cũng chẳng thể quên được không khí đông vui, tấp nập và nhộn nhịp ấy. Cảnh mua bán trên chợ nổi vô cùng thú vị. Muốn ăn quà hay mua đặc sản chỉ cần cặp sát vào chiếc ghe bán hàng, rồi có thể leo sang mà lựa chọn hoặc thưởng thức trực tiếp ngay trên chiếc ghe ấy. Trải nghiệm ở chợ nổi, những du khách chắc chắn sẽ ấn tượng với những màn “tung hứng” điệu nghệ của các thương lái từ thuyền này sang thuyền khác. Các thương lái sẽ chuyền hàng hoá từ thuyền này sang thuyền khác vô cùng khéo léo để thuận lợi cho việc di chuyển. Hình ảnh này bạn chỉ có thể bắt gặp không đâu khác ngoài chợ nổi.
(1).jpg)
Chiếc ghe thuyền ấy không chỉ là hình thức mưu sinh của người dân xứ Tây Nam Bộ mà còn là ngôi nhà di động của họ. Trên mỗi chiếc ghe, thuyền, đời sống sinh hoạt của các gia đình diễn ra sống động chẳng khác gì các hoạt động trên khúc sông ấy. Thế nên, chợ nổi không chỉ là sông, là chợ mà còn là nhà, là nét văn hoá ngàn đời của người dân nơi đây.
Không chỉ là biểu tượng của nét đẹp văn hoá truyền thống, chợ nổi còn là một nét chấm phá đặc biệt trong bức tranh yên bình của vùng đồng bằng sông nước. Điều này góp phần tạo nên sự cân bằng giữa văn hoá truyền thống và nhịp sống hiện đại tiến bộ, từ đó ngày càng tô điểm cho vùng đất này thêm đặc sắc, tươi đẹp.