KHÁM PHÁ HÒN NGỌC VĂN HOÁ NAM BỘ - NGHỆ THUẬT CẢI LƯƠNG

Cải lương là loại hình ca kịch sân khấu được hình thành trên cơ sở dòng nhạc Đờn ca tài tử và dân ca miền Đồng bằng Sông Cửu Long. Loại hình này được ra đời vào đầu thế kỷ XX ở miền Tây Nam Bộ. Cải lương không chỉ là hình thức sinh hoạt văn hoá nghệ thuật mà còn là một phương tiện để truyền tải thông điệp, văn hoá, lịch sử của người dân Nam Bộ.

Cải lương được diễn trong không gian mở, với phông, cảnh trí và hệ thống âm thanh, diễn viên, … thu hút và hấp dẫn đối với khán giả. Nội dung kịch sân khấu cải lương vô cùng phong phú, từ các câu chuyện kể dân gian, truyền thuyết, lịch sử, … gắn liền với đời sống của con người. Bên cạnh đó, làm sao có thể thiếu những câu chuyện về tình thân, tình bạn, tình yêu đôi lứa trong những điệu hát cải lương. Những vở cải lương phản ánh ý chí giải phóng của người nông dân bị áp bức, bóc lột, phải vùng lên đấu tranh cho cuộc sống, tầng lớp của mình. Ngoài ra, cải lương còn tái hiện lại toàn bộ xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đặc biệt là hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ tốt đẹp.
 

Cải lương buổi ban đầu phục vụ cho phần đông khán giả tại nhà hàng, khách sạn có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Không chỉ vậy, các đoàn cải lương còn tham gia một số sự kiện cộng đồng như gây quỹ học đường, quỹ thể thao, trùng tu đình chùa, …

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, nước ta được du nhập những phim ảnh, sách báo, đĩa hát, sau đó có nhiều đoàn kịch hát từ Trung Quốc sang biểu diễn tại Sài Gòn. Nhờ đó, nghệ thuật cải lương có cơ hội được tiếp xúc và thu hút thêm những tinh hoa văn hoá của các loại hình sân khấu nước ngoài như cách diễn xuất, các nhạc cụ mới, …

Trên đà phát triển đó, từ sau hiệp định Giơnevơ được ký kết năm 1954, cải lương càng có cơ hội phát triển mạnh mẽ, trở thành loại hình nghệ thuật đặc sắc. Thời điểm ấy, đây là loại hình ca kịch sân khấu có khả năng thu hút mỗi đêm hàng vạn triệu khán thính giả say mê từng điệu ca, nét diễn xuất của mỗi vở cải lương.
 
 
Qua từng giai đoạn phát triển, cải lương luôn hướng đến những đặc tính thẩm mỹ, nhân văn gắn liền với thời đại. Trong những cuộc đấu tranh dân tộc, những vở cải lương mang hào khí anh hùng chiến đấu. Sau khi hoà bình lập lại, nghệ thuật cải lương lại thấm đẫm chất trữ tình và hài hước. Điều đó cho thấy sự thích ứng linh hoạt của nghệ thuật cải lương ở mỗi thời kỳ, dù cho hiện nay sự hiện diện ấy đã mờ đi đáng kể giữa muôn vàn loại hình nghệ thuật hiện đại.

Để bảo tồn và phát huy nét văn hoá nghệ thuật này, cần có sự lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, giúp cải lương không bị mai một theo thời gian. Ngoài ra, cần đổi mới và phát triển để hình thức nghệ thuật này phù hợp với con người và bối cảnh xã hội mới.

Câu Hỏi Thường Gặp

Bài viết liên quan