TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN VÙNG TÂY NAM BỘ

Nương theo bước chân phát triển của một vùng đất, tín ngưỡng luôn tồn tại trong đời sống tinh thần của con người. Và nó luôn là một mảnh ghép quan trọng trong việc tạo nên nền móng của văn hóa, lịch sử Việt Nam nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng.

Là một bộ phận văn hóa cộng đồng, bên cạnh tính thống nhất của văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, tín ngưỡng vùng Tây Nam Bộ còn có tính đặc thù khó lẫn so với các địa danh khác. 

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt vùng Tây Nam Bộ được duy trì và tiếp nối,  thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn đấng sinh thành dựa theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Họ thường tổ chức đám giỗ cho 4 đời: cha mẹ, ông bà, ông bà cố nội, ông bà sơ. Nhiều dòng tộc của vùng Tây Nam Bộ khi cúng giỗ tổ tiên thực hiện theo lễ “cúng việc lề” nhằm nhận diện tổ tiên, tộc họ.
 

Khác với các tộc người khác trong vùng, người Khmer không thờ tổ tiên tại gia đình, mà có hẳn một ngày lễ cúng ông bà từ ngày 29/8 -1/9 âm lịch. Ngày đầu là lễ nghinh đón ông bà về nhà, lên chùa nghe sư sãi đọc kinh; ngày thứ hai mời ông bà vui chơi với con cháu; ngày thứ ba cúng tiễn ông bà về nới Niết Bàn. Lễ tiễn ông bà được thể hiện bằng nghi thức thả những chiếc thuyền nhỏ làm bằng bẹ cau, chuối, dừa,... xuống sông. Việc thờ cúng tổ tiên mang tính chất “giỗ hội”, được người Khmer coi như dịp tết của cả cộng đồng. Họ cùng nhau hướng về tổ tiên với tấm lòng thành kính, ghi nhớ công ơn sâu sắc. 

Tín ngưỡng thờ cá voi 
Thờ cá voi của cư dân vùng biển Tây Nam Bộ (hay còn gọi là thờ thần Nam Hải) là tín ngưỡng mang ý nghĩa bảo trợ cho người dân làm nghề biển. Thờ cá voi của cư dân vùng Tây Nam Bộ không có gì quá khác biệt so với vùng quê gốc ( phần lớn tín ngưỡng có nguồn gốc từ xứ Quảng ). Tuy nhiên, do một phần khi du nhập vào được bản địa hóa, tín ngưỡng thờ cá voi của Tây Nam Bộ có phối tự với Bà Chúa xứ, có nơi còn phối tự với nhân thần Nguyễn Trung Trực và các vị thần nông khác. 
 

Thường niên, tại lăng thờ cá Ông, lễ hội được tổ chức vào khoảng tháng 3 âm lịch, diễn ra trong 3 ngày bao gồm các lễ: lễ nghinh Ông Nam Hải, lễ tế Tiền chức, lễ tế thần nông, lễ Chánh tế và Tống Quái và sau đó là các hoạt động giải trí vui chơi của dân biển, như: hát bội, đua thuyền buồm, đua ghe chèo,... 

Tín ngưỡng thờ thần bảo hộ của người Khmer 
Đứng trước sự hùng vì, to lớn của thiên nhiên, con người dường như cảm thấy nhỏ bé và yếu ớt, vì vậy họ thường muốn tìm một điểm tựa để được bảo vệ. Vì vậy, người Khmer tin rằng, những trắc trở trong cuộc sống hay sự may rủi trong lao động sản xuất, ắt hẳn sẽ được các thần bảo hộ hóa giải và giúp họ vượt qua. Những vị thần linh có nguồn gốc từ đạo Bà La Môn được người Khmer thờ cúng, như: Tê vô đa - các vị tiên trên trời, Rea hu - vị thần hung dữ, Neak Ta - thần bảo hộ cộng đồng, Arak - thần giữ gìn, hộ mạng cho dòng họ. 
 

Hiện nay, do điều kiện sống của người Khmer ngày càng được nâng cao, ngoài vị thần Neak Ta, các vị thần còn lại ít được tín ngưỡng trong cộng đồng phum sóc. Thần Neak Ta vẫn được đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần bởi người Khmer tin rằng, đây là vị thần bảo vệ không gian sống, bảo hộ cho cuộc sống bình yên của phum sóc. Vào những ngày đầu tháng 5 dương lịch, cộng đồng Khmer tổ chức lễ Naek Ta nhằm cầu mưa, cầu an, cầu thịnh cho vụ mùa mới. 

Lễ cúng trăng (Ok om bok) của người Khmer
Một nền nông nghiệp lúa nước luôn coi trọng yếu tố tự nhiên, người Khmer cũng vậy. Họ cho rằng thần Mặt trăng đóng vai trò quan trọng trong việc cai quản mùa màng. Lễ cúng Trăng để tưởng nhớ và tạ ơn thần Mặt trăng đã cho họ một vụ mùa bội thu, được tổ chức hàng năm vào ngày 15/10 âm lịch. Lễ Ok om bok diễn ra trong từng hộ gia đình rồi đến các phum sóc. Đối với nghi thức cúng Trăng tại nhà, sau khi gia chủ cúng xong thường đút từng miếng cốm dẹt vào miệng những đứa trẻ và hỏi đứa trẻ ước gì trong năm. Những câu trả lời sẽ là lời “sấm” để gia chủ hay tin đó là điều lành hay dữ trong năm. 
Vào dịp này, người Khmer có lễ hội đua nghe ngo trên sông nhằm rèn luyện sức khỏe, sự linh hoạt với sông nước. 
 

Trên đây là một số tín ngưỡng mang tính bản địa của vùng Tây Nam Bộ, hy vọng rằng du khách sẽ cảm thấy hứng thú với mảnh đất đất sông này. Trong lịch sử cũng như hiện tại, và sẽ là tương lai, văn hóa tín ngưỡng Tây Nam Bộ đóng góp vai trò quan trọng trong việc phát triển của vùng đất trên mọi phương diện. 

Câu Hỏi Thường Gặp

Bài viết liên quan