TINH HOA VĂN HOÁ DÂN TỘC TRONG NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU DÙ KÊ KHMER NAM BỘ

Cộng đồng người Khmer Nam Bộ đã từng bước vươn lên trong quá trình sản xuất và xây dựng cuộc sống, tạo ra kho tàng văn hoá, nghệ thuật vô cùng phong phú, đặc sắc, trong đó nổi bật nhất là nghệ thuật sân khấu Dù kê.

Hiện nay có nhiều giả thuyết về sự ra đời, nguồn gốc của loại hình nghệ thuật này nhưng không thể phủ nhận rằng: Dù kê đã đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng người Khmer Nam Bộ từ những năm đầu thế kỷ XX. Các tỉnh nổi bật phát triển mạnh mẽ nghệ thuật Dù kê như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, … 

 
(Nguồn: Internet)

Dù kê được thể hiện dựa trên cốt truyện có sẵn và có kết cấu chương hồi. Một vở Dù kê được phát triển dựa trên nền nhạc ca hát, đối thoại và có động tác diễn. Đặc biệt, mỗi điệu hát đều kèm điệu múa và kết hợp giữa tay chân. 

Các vở diễn thường tái hiện lại những truyền thuyết, huyền thoại của dân tộc Khmer vô cùng phong phú và đa dạng, như "Linh Thôn", "Sac Kinh Ni" - được rút từ các trường ca Ấn Độ như "Ramayana" và "Mahabharata". Ngoài ra, cũng thường xuất hiện những điển tích, truyền thuyết của các dân tộc anh em như "Thạch Sanh Chém Chằn", "Tấm Cám" của người Kinh, "Trụ Vương Mê Đắc Kỷ", "Tam Tạng Thỉnh Kinh", "Phàn Lê Huê - Tiết Đinh San" của người Hoa. 

Nội dung của loại hình này thường xoay quanh các mối quan hệ trong gia đình, xã hội, tình yêu đôi lứa. Người Khmer ảnh hưởng khá nhiều từ Phật giáo nên vở diễn Dù kê thường mang đậm triết lý nhà Phật, mang tính giáo dục cao. Qua từng điệu múa nhịp nhàng, câu chuyện nhân văn, ta như được thấm nhuần những giá trị tinh thần sâu sắc và thông điệp về truyền thống, đạo lý.

Nếu múa rô-băm xuất phát từ cung đình hoa lệ thì nghệ thuật Dù kê được nảy sinh từ tấm lòng của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Buổi đầu, Dù kê phải diễn trên nền đất, dưới mái che lá giống như giàn bầu nên được gọi là “kịch hát giàn bầu”. Các diễn viên thường là những người dân một nắng hai sương, tay đã quen với cày cuốc nhưng khi đêm tối, họ lại hoá thân thành các nhân vật như vua chúa, hoàng tử hay các nhân vật đầy màu sắc. Chính sức hấp dẫn và sự gần gũi của những vở kịch này mà người dân Khmer có thể thức đến khuya để xem cái thiện chiến thắng cái ác như thế nào, ai sẽ là kẻ bị trừng phạt, …

 
(Nguồn: Internet)

Trải qua gần một thế kỷ hình thành và phát triển, Dù kê đã có sức ảnh hưởng nhất định trong đời sống văn hoá của người Khmer Nam Bộ. Tuy nhiên ngày nay, với sự lấn át của các loại hình nghệ thuật hiện đại cùng với những khó khăn trong vấn đề kịch bản, lực lượng tham gia diễn kịch, đã khiến cho Dù kê ngày càng mai một. Thế nhưng, vẫn có nhiều nghệ nhân kỳ cựu lớn tuổi tâm huyết, cố gắng lưu giữ và lưu truyền cho thế hệ hiện tại và tương lai. 

Dù Kê Khmer Nam Bộ không chỉ là một di sản văn hóa độc đáo mà còn là bức tranh sống động về cuộc sống đời thường của người dân Nam Bộ và tinh hoa văn hoá dân tộc. Bằng sức sống mãnh liệt, loại hình nghệ thuật này tiếp tục là nguồn cảm hứng vô tận, góp phần làm sáng tạo và duy trì nét đẹp văn hoá đặc trưng của người Khmer.

Câu Hỏi Thường Gặp

Bài viết liên quan