Tục xưa Tết miệt vườn Nam Bộ

Sắc xuân miệt vườn Nam Bộ mang một nét duyên riêng với những tập tục lễ nghi trong thờ cúng nơi mỗi gia đình và trong cả cộng đồng. Những điều tưởng chừng như rất đỗi bình dị tự nhiên ấy lại chính là mối dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại ở mỗi nếp nhà.

Theo thời gian, những phong tục xưa truyền đời đã làm nên một bức tranh văn hóa Tết phương Nam độc đáo với nhiều đường nét sống động. Nghi lễ Tết ở Nam Bộ luôn gắn liền với phong tục cổ truyền của dân tộc. Từ đầu tháng Chạp, nhà nhà bắt đầu tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Mọi người, từ già đến trẻ, ai cũng có việc để làm, từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ nông thôn cho đến thị thành.

1. Lặt lá mai - Chuẩn bị đón Tết
“Mai” từ ngàn xưa được coi là một trong tứ quý. Mai - Lan - Cúc - Trúc là loài hoa nở sớm và đứng đầu bảng hoa mùa xuân, là biểu tượng cho cốt cách tinh thần những gì cao đẹp nhất theo quan niệm của người Việt ta.

Vì vậy, trong mỗi gia đình Nam Bộ đón Tết thường được bắt đầu từ việc lặt lá mai. Lặt lá mai tưởng chừng là việc đơn giản, nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa. Việc lặt lá mai cẩn thận để giữ lại những nụ hoa nhỏ tượng trưng cho sự may mắn, sung túc trong năm mới. Chẳng may lặt trúng, người lặt sẽ tiếc hùi hụi vì may mắn đã bị giật trụy mất, lại nhắc nhau phải cẩn thận hơn. 
 

Lặt lá mai tưởng chừng là dịp nhỏ nhưng lại là bài học về giữ gìn văn hóa truyền thống dưới cội mai, bởi ý nghĩa Tết Nguyên Đán cũng chính là lần tìm về truyền thống, ôn lại nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc. 

2. Chuẩn bị mâm ngũ quả
Nhờ đất đai trù phú, miệt vườn Nam Bộ vốn nức tiếng bởi những vườn cây trái xum xuê quanh năm. Đây cũng là nét đặc trưng riêng có của xứ sở cây lành trái ngọt. Ngoài việc đem ra chợ bán, nhiều nhà miệt vườn còn có thói quen hái những đặc sản, những quả đẹp nhất trong vườn nhà để bày mâm ngũ quả cúng gia tiên ngày Tết.
 

Bàn thờ trong nhà là nơi để con cháu tưởng nhớ tổ tiên. Nhìn vào bàn thờ gia tiên, người ta có thể đánh giá được thành bại của gia chủ trong năm qua. Dù hoàn cảnh gia chủ thế nào, trên bàn thờ người miệt vườn phương Nam cũng phải có mâm ngũ quả. Đến nay, không ai biết chính xác ngũ quả gồm những quả gì, nên tùy vào đặc trưng mỗi vùng miền người ra sẽ chọn quả ngon ngọt, màu sắc đẹp, to tròn để bày điện. Trộn lối chơi chữ đồng âm phổ biến trong dân gian người Nam Bộ áp dụng phương thức này cho mâm ngũ quả, muốn gì cầu đấy, cầu gì trưng đấy. Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn cầu sung vừa đủ xài, với ước mong năm mới đủ đầy sung túc, tương ứng với 5 loại quả: mãng cầu - sung - dừa - đu đủ -  xoài. Có người thay trái sung bằng trái thơm (thơm tho), trái bắp (đều đặn, chắc ăn như bắp).
 

Mâm ngũ quả miền Nam chủ yếu mang sắc xanh, tránh những loại quả như chuối (chuối rủi) hay cam (cam chịu). Cùng với ngũ quả, một cặp dưa hấu to được dán giấy hồng đơn được đặt trang trọng hai bên bàn thờ tượng trưng cho sự no đầy. Ngày nay, do trái cây ngày càng nhiều lại đồng thời cũng nhằm thể hiện thẩm mỹ độc đáo, mâm ngũ quả phương Nam thêm phong phú không còn dừng lại ở năm loại quả.

3. Tục tảo mộ
Một trong những sinh hoạt mang tính truyền thống của người dân Nam Bộ chính là tục tảo mộ. Người ta thường nói Tết cho tổ tiên ông bà chính thức được bắt đầu từ đầu tháng Chạp khi mà nhà nhà đi tảo mộ. 

Với người miệt vườn, nhà giàu hay nghèo thì đều ăn Tết, vui Tết như nhau. Trước khi quét mộ, người ta sửa soạn nhang đèn, lấy tiền vàng bạc, hay chút rượu thịt đặt trước mộ mà khấn vái để xin phép. Quét mộ xong, người trong nhà thường cùng con cháu quây quần bên phần mộ người quá cố, nói chuyện thân tình, đức hạnh của tổ tiên ông bà để con cháu theo gương học tập, hướng thiện.
 

Trong những ngày này vì nhiều lý do mà có những ngôi mộ không được người nhà chăm sóc, thanh niên trong làng sẵn cuốc xẻng có thể dạt mã thay. Đây là một việc làm rất đáng trân trọng và vẫn còn cho đến ngày nay. 

4. Bánh phồng và mứt chuối ngày Tết phương Nam
Từ đầu tháng Chạp, cũng là lúc xong mùa vụ, nhà nhà đều náo nức chuẩn bị đón mừng năm mới. Nếu tiếng vít bánh phồng rộn rã là âm thanh báo hiệu đầu tiên thì tiếp theo đó chính là lúc người miệt vườn chuẩn bị món chuối xiêm hay còn gọi là chuối sứ ép phơi khô.
 

Món ăn dân dã này được thực hiện bắt đầu bằng việc chọn những nải chuối thật đẹp tròn trái để cho chín, sau đó ép ra thành từng bánh một. Người ta hay canh nắng thật gắt để phơi chuối, bởi nắng không gắt chuối sẽ đen. Trước kia ở nông thôn, bánh từ tỉnh làm về rất hiếm hoi, vả lại người miệt vườn xưa cũng rảnh rỗi sau vụ mùa nên dư thì giờ chuẩn bị đãi khách bằng cây nhà lá vườn. Một mặt là tiết kiệm, một mặt là để các chị khoe khéo tài của mình. Bánh phồng nướng và mứt chuối trở thành hai đặc sản không thể thiếu của mọi nhà thời ấy.

Tục đón Tết miệt vườn Nam Bộ là bản sắc văn hóa đặc thù trong kho tàng phong tục lễ hội của dân tộc Việt Nam. Gia tài vô giá ấy chính là cái nôi của những giá trị tâm hồn cao đẹp của nếp nhà người Việt xưa và nay ở vùng đất phương Nam. Cuộc sống dần hối hả, nhiều nghi thức theo đó cũng được châm chước, nhưng bản sắc văn hóa ngày Tết của xứ miệt vườn vẫn được lưu truyền, giữ gìn.

Câu Hỏi Thường Gặp

Bài viết liên quan