Được hình thành trên một vùng đồng bằng sông nước với đa dạng các dân tộc cùng sinh sống, văn hoá Nam Bộ là sự kết hợp giữa văn hóa vùng đồng bằng sông nước và sự giao thoa các yếu tố văn hoá của người Chăm, người Khmer, người Hoa vào văn hoá Việt trong vùng. Điều này làm nên sự đặc trưng trong văn hóa vùng Nam bộ. Vậy những nét đặc trưng đó là gì, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Những cách người Nam bộ hoạt động sản xuất trên vùng
Do điều kiện địa lý đặc thù, nên cách thức hoạt động sản xuất của cư dân trên vùng đất này mang đặc trưng đồng bằng sông nước rõ nét nhất, đồng thời cũng đa dạng nhất so với tất cả các vùng miền khác. Ở Nam Bộ có sông Cửu Long khác sông Hồng ở Bắc bộ là sông có tốc độ dâng nước và tốc độ dòng chảy thấp, do vậy người Nam Bộ không cần phải đắp đê ngăn lũ như ở đồng bằng sông Hồng, ngược lại người dân ở Nam Bộ còn tận dụng nguồn nước này vào mùa lụt để đưa nước ngọt và phù sa vào ruộng, rửa phèn ở vùng trũng, đánh bắt thuỷ sản, v.v. Ngoài ra, sông nước ở đây còn là tiền đề phát triển các nghề buôn bán trên sông, vận tải đường sông, du lịch sông nước, v.v. Ở đây có những chợ nổi đặc trưng gắn theo từng tỉnh như Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), bến Ninh Kiều (Cần Thơ), chợ nổi Cồn Quảng (Cần Thơ), Chợ nổi Cái Bè ( Tiền Giang), Chợ nổi Long xuyên (An Giang), chợ nổi Phú Quốc( Kiên Giang) và một số địa điểm du lịch nổi tiếng như Suối Tiên( Bến Tre), Cồn Phụng( Bến Tre), Cồn Sơn (cần thơ) Người Nam Bộ đã biến sông nước trở thành một yếu tố cấu thành đặc trưng của văn hoá ở đây.
Sản xuất Lúa nước
Ở Nam Bộ ngành sản xuất chính là lúa nước do được thiên nhiên ban tặng hai vùng châu thổ rất rộng lớn và phì nhiêu cho nên Nghề truyền thống này đã được người Nam Bộ phát huy ở mức tối đa. Theo thống kê Nam Bộ sản xuất đến 50% lúa cả nước, và góp phần chính yếu vào sản lượng gạo xuất khẩu hằng năm của cả nước. Nhiều thương hiệu lúa gạo của Nam Bộ rất nổi tiếng trên thị trường trong và được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như gạo Tài Nguyên, gạo Nàng Hương Chợ Đào (Cần Đước, Long An), v.v.
Sản xuất trái cây và cây công nghiệp
Nam Bộ cũng là nơi sản xuất đến 70% trái cây cả nước. Các tỉnh miền Đông có các loại trái cây như: sầu riêng, mít, bưởi, măng cụt, vú sữa, chôm chôm… Long An có đặc sản dưa hấu Long Trì, dứa Bến Lức. Bến Tre có cam, quýt, sầu riêng, chuối, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, xoài cát, bòn bon, khóm,vú sữa, bưởi da xanh, trồng nhiều ở Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày và Châu Thành. Vĩnh Long nổi tiếng khắp Việt Nam với đặc sản bưởi Năm Roi, v.v.
Ngoài ra Nam Bộ cũng còn là vùng trồng cây công nghiệp lớn nhất nước. Các tỉnh miền Đông có cao su, điều, đậu phộng… Các tỉnh miền Tây có dừa, mía, đậu phộng, thuốc lá, tiêu…. Mía được trồng nhiều tại các vùng đất phù sa ven sông rạch tại Mỏ Cày, Giồng Trôm. Diện tích trồng thuốc lá tập trung ở Mỏ Cày, nơi có loại thuốc thơm nổi tiếng. Ngoài ra huyện Chợ Lách (Bến Tre) còn là nơi trồng các loại hoa kiểng, bonsai rất nổi tiếng.
Đánh bắt và nuôi trồng thuỷ, hải sản.
Sở hữu một vùng sông nước có tính đa dạng sinh học cao và được biển bao quanh hai phía, Nam Bộ cũng là một ngư trường giàu có nhất nước, là cơ sở đề phát triển các nghề đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản. Đánh bắt thuỷ sản phát triển cả ở vùng đầu nguồn, vùng cửa sông và vùng biển. Chế biến thuỷ sản rất phát triển ở TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Phú Quốc. Nước mắm Phú Quốc là một thương hiệu nổi tiếng cả nước và quốc tế. Nghề nuôi cá bè trên sông phát triển ở Đồng Nai, Châu Đốc… Ngoài ra, do tôm cá dồi dào nên Nam Bộ cũng là nơi có nhiều sân chim nhất trong cả nước. Hầu như tỉnh nào ở miền Tây cũng có sân chim, trong đó nổi tiếng nhất là các sân chim ở Bến Tre, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau. Mỗi sân chim là nơi trú ngụ của hàng trăm ngàn chim thú hoang dại như, cò, vạc, sếu… cùng với thảm thực vật phong phú của môi trường đồng bằng và ven biển nhiệt đới gió mùa.
Nghề thủ công truyền thống
Ở Nam Bộ, các nghề thủ công truyền thống đã được phát triển và trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa địa phương. Bình Dương nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống, nơi các nghệ nhân tài năng thường tạo ra các tác phẩm điêu khắc gỗ tinh xảo, sản xuất đồ gốm sành sứ và tạo ra các bức tranh sơn mài tinh tế. Bên cạnh đó, ở Bến Tre, làng nghề trên cồn Phụng thuộc huyện Châu Thành là nơi sản xuất các sản phẩm từ dừa và mật ong, từ những chiếc nón rơm đến các sản phẩm dừa khác như dừa xiêm, dừa sấy. Những nghề truyền thống này không chỉ là nguồn sống của người dân mà còn là niềm tự hào và di sản văn hóa được bảo tồn và phát triển qua các thế hệ.
Tóm lại, văn hoá Nam Bộ là 1 bức tranh đa sắc, độc đáo, với những nét đặc trưng riêng biệt. Nét văn hoá ấy đã được thể hiện qua truyền thống ngành nghề . Thêm nữa văn hoá ấy còn là sản phẩm được hòa quyện giữa văn hoá người Việt, Người Hoa và Người Khmer và những di sản văn hóa do quá trình giao lưu văn hoá tạo nên.