Khúc ca đồng lũ - Mùa nước nổi phương Nam

Mỗi năm, cứ vào độ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, khi con nước từ thượng nguồn sông Mê Kông ồ ạt đổ về, miền Nam Bộ lại khoác lên mình vẻ đẹp trù phú và độc đáo của mùa nước nổi. Đây là hiện tượng tự nhiên thường xuyên xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long, mang đến nhiều thách thức nhưng cũng ẩn chứa vô vàn lợi ích cho đời sống con người nơi đây.

1. Nét đặc trưng của mùa nước nổi phương Nam
Mùa nước nổi Nam Bộ thường kéo dài khoảng 4 tháng, tạo nên sự thay đổi rõ rệt trong cảnh quan và sinh hoạt của người dân địa phương. Những cánh đồng lúa bạt ngàn biến thành biển nước, người dân phải thích nghi bằng cách sử dụng xuồng ghe làm phương tiện di chuyển chính, thay đổi cách canh tác và khai thác các nguồn lợi thủy sản phong phú do con nước mang lại.

Sự lên đến của nước từ thượng nguồn khiến cho Đồng bằng sông Cửu Long chìm trong biển nước mênh mông. Mực nước có thể lên đến 4 mét, đặc biệt cao vào cuối tháng 8 - đầu tháng 9 âm lịch.

2. Vẻ đẹp độc đáo mùa nước nổi Nam Bộ
Qua thời gian, cư dân nơi đây đã có sự chuẩn bị để đón mùa nước nổi. Những hoạt động sản xuất, thu hái, đánh bắt từ nguồn lợi tự nhiên trong mùa nước nổi còn tồn tại đến hôm nay là kết quả của quá trình tích lũy, tổng kết kinh nghiệm từ hàng trăm năm đón mùa nước nổi.

2.1. Đánh bắt thủy hải sản
Mùa nước bắt đầu lên vào tháng 7, theo con nước mà các loài tôm cá sinh sản và tăng trưởng dần, do đó cách đánh bắt và dụng cụ cũng được sử dụng đa dạng phù hợp. Người ta thường dùng ví, đăng, đặt đó, đặt lờ, lợp, xà di, vớn, chạy lưới, giăng câu và địa bàn đánh bắt trong mùa này là trên đồng ruộng. Cư dân vùng này có câu: “Nước không chân sao kêu nước đứng, con cá không thờ sao gọi cá linh.” Sự xuất hiện của cá linh non là báo hiệu mùa nước nổi sắp về. Sách Gia Định thành thông chí gọi cá linh là “linh ngư,” một sản phẩm kinh tế của Nam Bộ. Ngoài cá linh, các loại cá khác như cá trạch, cá lăng cũng xuất hiện nhiều, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
 

Ngày xưa, cá linh chỉ xuất hiện trong những bữa cơm nơi chốn đồng sâu. Ngày nay, cá linh non trở thành 1 đặc sản của mùa nước nổi phương Nam, xuất hiện trong các nhà hàng, khách sạn.

2.2. Hẹ nước
Mỗi năm, khi những con nước đầu mùa tràn về, mang theo phù sa bồi đắp cho đồng bằng, hẹ nước cũng vươn lên mạnh mẽ, tạo nên một thảm xanh mướt mắt trên những cánh đồng. Loại rau dại này từng chỉ được hái ăn, nay đã trở thành đặc sản, mang đến niềm vui và thu nhập cho bà con.
 

Mùa thu hoạch hẹ nước thường kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, khi mực nước trên đồng dâng cao nhất. Người dân địa phương thường đi thu hoạch hẹ nước vào sáng sớm, khi sương vẫn còn đọng trên lá. Hẹ nước được thu hoạch bằng tay, sau đó được rửa sạch, bó thành từng bó nhỏ và vận chuyển ra chợ để bán.

2.3. Hoa sen
Bên cạnh hẹ nước, hoa sen cũng là một biểu tượng đặc trưng của mùa nước nổi Đồng Tháp Mười. Trước đây, sen mọc hoang rất nhiều, là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Những bông sen mộc mạc, giản dị ấy đã gắn liền với đời sống và văn hóa của người dân nơi đây.
 

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các vùng trồng sen được quy hoạch bài bản, khoa học hơn. Nhiều giống sen ngoại được đưa vào trồng, mang lại giá trị kinh tế cao hơn, nhất là sen Đài Loan. Các bộ phận của sen đều có thể sử dụng, nhưng trong mùa nước nổi, người ta thường cắt lá, hoa, gương sen.

2.4. Món mắm - Đặc sản của người dân Nam Bộ
Không ai biết chính xác món mắm ra đời từ lúc nào, nhưng trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã nhắc đến món ăn này. Theo ông, cá ở đầm ao trên vùng đất phương Nam ăn tươi hay muối làm mắm đều nhiều, không dùng hết. Trong mùa nước, cá đánh bắt được nhiều, ăn tươi không hết, người ta thường làm mắm hoặc khô để dành ăn được lâu. Những cánh đồng sau mùa thu hoạch, mương đìa sông rạch có nhiều loại cá như cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc, dùng làm khô làm mắm dự trữ ăn lúc bận rộn việc đồng áng. 
 

Mắm là một sản phẩm trong văn hóa ẩm thực của cư dân Nam Bộ, thể hiện quá trình tích lũy tri thức dân gian qua nhiều thế hệ nhằm tìm tòi kỹ thuật bảo quản con cá được thiên nhiên cung cấp dồi dào trong mùa nước lên.

2.5. Bông điên điển
Miền Tây mùa nước nổi cũng là mùa điên điển trổ bông. Hàng năm, khi con nước tràn đồng, những chùm bông điên điển đầu mùa bắt đầu xuất hiện. Trước đây, người dân thường chỉ khai thác điên điển mọc tự nhiên. Mùa nước kéo dài hơn ba bốn tháng thì thu hoạch bông điên điển tự nhiên như nguồn thu lợi giải quyết nông nhàn. Canh chua điên điển cá linh, một món ăn đặc trưng của miền Tây, nay đã hiện diện ở các nhà hàng.
 

2.6. Kiến trúc nhà sàn
Nhà sàn được sử dụng phổ biến ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long như hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang. Đến nay, kiến trúc nhà sàn truyền thống vùng đất phương Nam vẫn phát triển mạnh mẽ. Công năng khi con nước về hàng năm là sản phẩm kiến trúc được hun đúc từ những kinh nghiệm trong việc thích ứng với môi trường và khí hậu vùng đất phương Nam.

3. Mùa nước nổi phương Nam ngày nay
Khác với nỗi lo âu trước đây khi nước dâng cao tràn vào nhà, người dân giờ đây lại háo hức đón chào mùa nước, bởi nó mang theo nguồn lợi thủy sản dồi dào và tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo.

Ngoài ra, mùa nước nổi cũng là thời điểm thu hút lượng lớn du khách đến với miền Nam Việt Nam. Du lịch mùa nước nổi không chỉ là trải nghiệm về cảnh đẹp thiên nhiên mà còn là cơ hội để khám phá văn hóa, ẩm thực đặc trưng của vùng đất này. 
 

Từ một thách thức, mùa nước nổi ngày nay đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo và là cơ hội để phát triển du lịch sinh thái bền vững, góp phần vào sự phát triển toàn diện của khu vực và làm giàu thêm văn hóa, kinh tế của cộng đồng địa phương.

Câu Hỏi Thường Gặp

Bài viết liên quan