Dấu ấn văn hoá nghệ thuật hiện đại của Sài Gòn xưa
Phòng trà được biết đến là một sân khấu thu nhỏ trong nhà, được biểu diễn bởi các nghệ sĩ từ nghiệp dư đến nổi tiếng. Nhắc đến Sài Gòn những năm đầu thập niên 80s và 90s, không thể không nhắc đến những phòng trà nổi tiếng gắn liền với những tên tuổi lừng danh của đất Sài thành lúc bấy giờ.
Năm 1954, loại hình biểu diễn nghệ thuật này bắt đầu được du nhập vào Sài Gòn do nhiều nghệ sĩ bắt đầu “Nam tiến” tại thành phố ăn chơi bậc nhất Việt Nam này. Tuy nhiên, phải đến nửa cuối những năm 1900s thì văn hóa phòng trà ca nhạc ở Sài Gòn mới bắt đầu bước vào thời kỳ hoàng kim. Khi ấy, việc lui tới các phòng trà để thưởng thức những khúc nhạc là một phần không thể thiếu đối với người dân Sài thành. Một trong những địa điểm phòng trà ca nhạc nổi tiếng cho đến tận bây giờ phải kể đến như Văn Cảnh (nằm trên đường Calmette), Đức Quỳnh (thuộc tuyến đường Cao Thắng), An Vũ (nằm ngay trung tâm phố Bùi Viện), …
Bên cạnh những phòng trà cao cấp được kể trên, còn có rất nhiều phòng trà “bình dân” khác được lập nên để thỏa mãn đam mê nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật của tầng lớp sinh viên, trí thức. Nhắc đến phòng trà bình dân, chắc chắn phải kể đến Quán Văn, một quán cà phê đơn sơ là nơi tụ hội và giao lưu của các văn nghệ sĩ, chuyên nghiệp, không chuyên nghiệp. Điểm nổi bật của Quán Văn là những màn kết hợp giữa cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly trong thời gian đầu hợp tác giữa hai nghệ sĩ (khoảng năm 1966). Đây chính là một trong những bước đệm đầu tiên tạo nên thương hiệu Nhạc Trịnh và danh tiếng của ca sĩ Khánh Ly sau này.
Phòng trà ca nhạc - Cái nôi của những giọng ca lừng danh đất Sài thành xưa
Phòng trà ca nhạc chính là cái nôi khởi nguồn cho biết bao thế hệ giọng ca lừng danh như Minh Hiếu, Thanh Thuý, Khánh Ly, Ánh Ngọc, … Đặc biệt, tại phòng trà Anh Vũ là nơi mà chính tay cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã đệm đàn dương cầm cho ca sĩ Thanh Thuý - người thể hiện ca khúc “Ướt mi” nhạc phẩm đầu tay của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Ngày đó, các phòng trà gây dựng danh tiếng thuần túy dựa vào giọng ca tuyệt vời kết hợp với ban nhạc hay. Các phòng trà Queen Bee, Tự Do, Ritz, Maxim’s, Đêm Màu Hồng là những phòng trà có tiếng nhất thời điểm đó cũng bởi sở hữu cho mình những danh ca ấn tượng như ca sĩ Lệ Thu, Thái Thanh, Hoàng Thị Thơ, Khánh Ly, Thanh Thúy, Jo Marcel; ban nhạc The Shotguns, Ban nhạc Thăng Long, ban nhạc The Dreams, …
Thông thường, các ca sĩ tại phòng trà sẽ biểu diễn những bài hát dành cho riêng mình. Bởi vậy, những giọng ca có những nét riêng biệt mà dù có ngân đi ngân lại thì vẫn đọng lại trong khán thính giả những cảm xúc như thuở ban đầu. Không cần những banner, áp - phích hoành tráng, nghệ danh của các nghệ sĩ và ban nhạc cũng đủ thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả.

Tuy nhiên, đến khoảng cuối thập niên 1990, do thị hiếu âm nhạc đa dạng hơn nên các phòng trà thay đổi dần hình thức kinh doanh của mình. Giờ đây, phòng trà không chỉ là nơi vang vọng và đắm chìm vào những tình khúc nữa mà thay vào đó, để đáp ứng nhu cầu của những người trẻ, phòng trà đã mời những ca sĩ trẻ thể hiện những sáng tác thịnh hành. Bên cạnh đó, có một số hiện tượng “hát nhép” đã làm cho chất lượng phòng trà ca nhạc giảm đi đáng kể.
Cho đến tận ngày nay, “văn hóa phòng trà” đã vượt qua biết bao định kiến để rồi vẫn tiếp tục duy trì trên mảnh đất Sài Gòn. Tuy nhiên, khó có thể tìm được nét mộng mị, say đắm xúc cảm ở bất kỳ phòng trà ca nhạc nào trên Sài thành nhộn nhịp này.