Văn hoá tổ chức xã hội cổ truyền xưa của người Nam Bộ

Văn hoá tổ chức xã hội cổ truyền của người Nam Bộ là hệ thống các giá trị, quan niệm, quy tắc, và tập quán chi phối cách thức tổ chức và vận hành xã hội của người dân Nam Bộ trong quá khứ. Hệ thống này được hình thành và phát triển dựa trên điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, và lịch sử của vùng đất Nam Bộ.
 
Văn Hoá Người Việt Nam Bộ
 
 
Người Việt Đến Nam bộ khai hoang lập ấp, họ vẫn giữ văn hóa truyền thống đó là tổ chức quần cư thành lập làng ấp. Tuy nhiên, về nội dung và hình thức, làng ấp của người Việt Nam Bộ có nhiều nét khác biệt với làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ. Về nội dung làng ấp của người Việt ở Nam Bộ là một tập hợp cư dân đến từ nhiều vùng, nhiều họ tộc khác nhau, gắn bó với nhau không phải do quan hệ dòng họ mà chủ yếu là do quan hệ láng giềng. Tập hợp cư dân của mỗi làng ấp cũng thường xuyên biến động hơn, kẻ đến người đi đổi chỗ cho nhau, nên không có sự phân biệt đáng kể giữa dân chính cư với dân ngụ cư. Về hình thức, để tiện việc đi lại, làng ấp ở Nam Bộ thường hình thành dọc theo kênh rạch hoặc trục lộ, không có luỹ tre làng đóng kín. Do đó, tính cố kết cộng đồng của làng ấp Nam Bộ lỏng lẻo hơn làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ.
 
Văn Hoá người Khmer ở Nam Bộ
 
 
Người Khmer Nam Bộ theo chế độ gia đình song hệ nhưng đang trong xu hướng chuyển sang phụ hệ. Hình thức gia đình chủ yếu là tiểu gia đình, mặc dù vẫn còn tồn tại các đại gia đình gồm 3, 4 thế hệ sống chung trong các phum nhỏ. Hình thức tổ chức cộng đồng cơ sở là phum, bao gồm dăm ba gia đình có quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân với nhau, phát triển từ công xã thị tộc mẫu hệ nguyên thuỷ, đứng đầu là mê phum. Nhưng cũng có phum lớn, bao gồm cả trăm gia đình thuộc nhiều dòng họ khác nhau. Các gia đình trong phum là những đơn vị kinh tế độc lập, có ruộng đất, tài sản, sinh hoạt và sản xuất riêng. Hình thức tổ chức cao hơn phum là khum thì trên thực tế đã được thay thế bằng đơn vị xã. Nhưng hình thức tổ chức srok (sóc) thì vẫn còn tồn tại. Mỗi sóc bao gồm vài chục phum lớn nhỏ. Ranh giới giữa các sóc thường được xác định qua vị trí ngôi chùa và tên gọi riêng của sóc. Đứng đầu sóc là mê sóc, giúp việc là ban quản trị sóc do dân sóc bầu ra. Bên cạnh bộ máy tự quản của sóc là bộ máy quản lý của chùa gồm một vị sư cả, các vị sư phó, giúp việc cho họ là một ban quản trị chùa và các wên là tổ chức quần chúng tín đồ. Sự vận hành của sóc dựa trên tập quán truyền thống và những định chế của Phật giáo. Cũng như làng ấp của người Việt Nam Bộ, sóc của người Khmer Nam Bộ không có sự phân biệt đáng kể giữa dân chính cư và dân ngụ cư.
 
Văn Hoá người Hoa ở Nam Bộ
 
 
Người Hoa ở Nam Bộ theo chế độ gia đình phụ hệ và cố gắng duy trì hình thức đại gia đình, mặc dù hình thức tiểu gia đình đã phổ biến. Về hình thức tổ chức cộng đồng, vào năm 1834 vua Minh Mạng đã chia di dân gốc Hoa thành hai nhóm: người Minh Hương thì tổ chức thành làng xã theo kiểu người Việt, còn người Đường (Thanh) thì tổ chức thành các bang, căn cứ theo phương ngữ, nguồn gốc. Số lượng bang thay đổi từ 4 (1790) đến 7 (1802), 4 (1871), cuối cùng là 5 bang: Quảng Châu, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam, Hạ Châu (1885), tồn tại đến năm 1960. Các bang này vừa là tổ chức xã hội của người Hoa, vừa là những tổ chức hành chính chính thức điều hành các quan hệ xã hội, từ chính trị đến kinh tế và văn hoá của các nhóm cộng đồng. Bên cạnh đó, người Hoa ở Việt Nam còn lập ra các hội, như Thiên Địa Hội là một hội kín phản Thanh phục Minh, đến đầu thế kỷ XX thì phân rã. Đầu thế kỷ XX, người Hoa ở Việt Nam thành lập Việt Nam – Trung Hoa Tổng thương hội. Đến năm 1925 thì thành lập Phòng Thương mại người Hoa, hoạt động mở rộng dần từ kinh tế sang chính trị, xã hội, ngoại giao, phạm vi khắp các tỉnh phía Nam và cả nước… Các tổ chức bang hội vừa đáp ứng nhu cầu liên kết tương trợ của những người Hoa cùng phương ngữ và quê quán, vừa đáp ứng nhu cầu về quan hệ thân tộc và huyết thống vốn có của người Hoa. Trong quan hệ với người Việt, người Hoa di cư không tự coi mình là “dân tộc thiểu số”, và vẫn nuôi dưỡng lòng tự hào của một dân tộc văn minh. Tính biệt lập và khép kín là đặc điểm nổi bật nơi các cộng đồng người Hoa di cư, nhất là người Hoa ở vùng đô thị. Còn người Hoa ở nông thôn thì quan hệ mật thiết hơn với các cư dân sở tại.

Người Chăm Nam Bộ do hầu hết theo đạo Hồi nên chế độ gia đình thiên về phụ hệ, mặc dù chế độ mẫu hệ cổ truyền vẫn còn được bảo lưu. Hình thức tổ chức xã hội cổ truyền là các palay cũng đã chuyển hoá thành các jammaah là hình thức tổ chức cộng đồng cơ sở tập hợp những gia đình cư trú quây quần bên cạnh các thánh đường Hồi giáo (masjid, surau). Người Stiêng ở Đông Nam Bộ thì theo chế độ gia đình phụ hệ, hình thức đại gia đình là chủ yếu, nhưng đã xuất hiện nhiều tiểu gia đình. Mỗi đại gia đình cư trú trong một nhà sàn dài. Một số nhà không cố định hợp thành một buôn (Stiêng: bon, poh, văng, wăng, sóc).

 Những phong tục cổ truyền trên cần được gìn giữ và phát huy vì nét đẹp này góp phần phong phú cho kho tàng văn hoá dân tộc và tạo ra bản sắc văn hoá riêng biệt của vùng.

Câu Hỏi Thường Gặp

Bài viết liên quan